Có mặt tại Sài Gòn từ những năm 1970, sau gần nửa thế kỷ vượt qua những cuộc cạnh tranh khốc liệt, cơm tấm Thuận Kiều vẫn lớn mạnh và trụ vững trong lòng thực khách
Nằm khiêm tốn trên đường Thuận Kiều, phường 4, quận 11, TP HCM có một tiệm cơm tấm mang tên con đường này, gắn bó với nhiều người dân vùng Chợ Lớn hàng chục năm qua. Mặc cho thời gian trôi đi, tiệm Thuận Kiều mỗi ngày vẫn mở cửa phục vụ từng lượt người đến chỉ để thưởng thức món cơm tấm – một đặc sản của người dân Nam Bộ bao đời nay.
Bỏ xứ lên Sài Gòn bán cơm
Khoảng những năm 1950, sau một biến cố lớn của gia đình, người cha của chàng trai Ngô Cúc Minh bị thực dân Pháp kết án tử hình vì đi theo Việt Minh. Đau buồn trước cái chết của cha, Minh quyết định rời bỏ quê hương Bến Tre lên Sài Gòn tìm kế sinh nhai.
Gặp và nên duyên với bà Nguyễn Thị Huệ, người gốc Quảng Ngãi, ông Minh cùng vợ quyết định mở một tiệm cơm tấm nhỏ ở khu vực Xóm Củi (quận 8, TP HCM ngày nay) phục vụ khách hàng là những người dân tứ xứ neo ghe xuồng buôn bán trái cây. Bà Huệ vốn giỏi việc bếp núc lại khéo buôn bán nên chẳng mấy chốc, tiệm cơm tấm của hai vợ chồng trở nên đắt khách vào loại nhất nhì trong vùng. Thế rồi, họ chọn mua một căn nhà nhỏ có 2 mặt tiền hướng ra đường, một mặt làm gara ô tô, mặt kia mở tiệm cơm tấm, lấy tên đường là Thuận Kiều đặt cho quán để dễ nhớ.
Ngày ấy, Thuận Kiều là con đường người Hoa sống là chủ yếu. Vì thế, các món ăn mang phong cách, hương vị Tàu được bày bán la liệt. Cơm tấm Thuận Kiều len vào tưởng chừng như đơn độc nhưng lại hút khách lui tới thưởng thức rất đông. Không chỉ người Việt mà người Hoa cũng tự nhiên mê mẩn món ăn dân dã của Nam Bộ từ khi có cơm tấm Thuận Kiều xuất hiện.
Say mê với công việc kinh doanh nên vợ chồng ông Minh – bà Huệ đặt hết tâm huyết của mình vào tiệm cơm. Là một phụ nữ đã có 8 con nhỏ nhưng sáng nào bà Huệ cũng tự tay đi chợ chọn mua những thực phẩm ngon nhất, tươi nhất về chế biến. Bà hướng dẫn các con thao tác theo công thức mà mình đã mày mò pha chế để cho ra những thực đơn kèm với cơm tấm tuyệt hảo nhất thời bấy giờ.
Những đứa con nhà cơm tấm Thuận Kiều cũng sớm ảnh hưởng phong cách lao động cần mẫn của gia đình nên sau giờ đi học, mỗi đứa một việc, từ rửa chén, lau nhà đến lặt rau, ướp thịt… Khách đến dùng bữa chẳng những khen cơm ngon mà còn tấm tắc thán phục trước nề nếp chỉn chu của gia đình này. Tiếng lành đồn xa, nhiều người ở tận Sài Gòn – Gia Định cũng phải lần mò đến Chợ Lớn để thưởng thức món cơm tấm Thuận Kiều thơm nức mũi.